Thân thế Đổng_Ngạc_phi

Đổng Ngạc thị xuất thân Mãn Châu Chính Bạch kỳ, quê quán ở Bát Đạo Giang, Liêu Ninh. Tằng tổ phụ của bà tên gọi là Lỗ Khắc Tố (魯克素), sinh Tịch Hán (席漢) cùng Tịch Nhĩ Thái (席爾泰). Tổ phụ Tịch Hán, sinh ra Ngạc Thạc (鄂碩) - là thân phụ của Đổng Ngạc thị, từng giữ chức Nội thị đại thần trong triều đình nhà Thanh. Không rõ thân mẫu của bà là ai, chỉ biết mẹ kế là Ái Tân Giác La thị, con gái của Bối tử Mục Nhĩ Hỗ và là huyền tôn nữ của Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Ngoài ra, Tịch Nhĩ Thái sinh ra Ba Độ (巴度), thân sinh của Trinh phi Đổng Ngạc thị, cũng là một phi tần của Thuận Trị Đế[1].

Những năm Thuận Trị, Ngạc Thạc vâng mệnh Nam chinh, thường đóng quân ở Tô Châu, Hàng Châu, Hồ Châu, Đổng Ngạc thị có lẽ được sinh ra tại đây. Lớn lên ở vùng Giang Nam, dường như Đổng Ngạc thị chịu không ít ảnh hưởng văn hóa và tư duy ở nơi này, do vậy bà rất rành chữ Hán. Em trai bà, Đại tướng quân Phí Dương Cổ (费扬古) cũng rất am hiểu Hán học.

Tuy nhiên, thân thế của Đổng Ngạc thị luôn là đề tài tranh luận, bên cạnh Chính sử ghi chép, Đổng Ngạc thị còn được tin theo 2 thuyết khác nhau, tất cả đều đã bị bác bỏ:

  • Cho rằng là Đổng Tiểu Uyển: Nàng Đổng Tiểu Uyển là một trong Tần Hoài bát diễm, thanh lệ có tiếng. Theo truyền thuyết này, Thanh quân Thống soái Hồng Thừa Trù đã bắt Đổng Tiểu Uyển dâng lên Thuận Trị Đế, có thuyết lại nói là Dự Thân vương Đa Đạc. Loại thuyết này xuất hiện chủ yếu ở những tiểu thuyết hay phim ảnh, nhằm mục đích cho câu chuyện ly kỳ hơn. Sự liên hệ giữa 2 người rất mơ hồ, một số kiến giải cho rằng vì Đổng trong họ của Tiểu Uyển và Đổng trong Đổng Ngạc thị liên quan, thực tế lại không như vậy[2]. Có kiến giải vì Đổng Ngạc thị rất giỏi Hán văn, nên chắc chắn là người Hán. Việc này không đúng vì em trai bà Phí Dương Cổ cũng rất giỏi Hán ngữ, nhưng ông không phải người Hán.
  • Tương Thân vương Phúc tấn: Có thuyết tương truyền rằng khi còn là thiếu nữ, Đổng Ngạc thị đã từng là vợ của Tương Thân vương Bác Mục Bác Quả Nhĩ (博穆博果尔), con trai út của Thanh Thái Tông, em trai khác mẹ với Thuận Trị Đế. Đổng Ngạc thị đoan trang, hiền thục, dịu dàng, trong sáng, thuần khiết, cốt cách thanh tao, nhã nhặn, thông minh, hiểu lễ nghĩa nên được Thuận Trị si mê. Sau khi Bác Mục Bác Quả Nhĩ qua đời (1656), Thuận Trị Đế tiếp tục theo đuổi bà một cách điên cuồng. Căn cứ Ái Tân Giác La Gia phả (爱新觉罗宗谱), thì Tương Thân vương Phúc tấn là Bác Nhĩ Tế Cát Đặc thị, con gái của Hòa Thạc Đạt Nhĩ Hán Ba Đồ Lỗ Thân vương Mãn Châu Tập Lễ (满珠习礼), do vậy Đổng Ngạc thị tuyệt đối không thể là Tương Thân vương Phúc tấn.

Có một thông tin trong hồi ức của Thang Nhược Vọng, nói rằng Thuận Trị Đế có tình cảm mãnh liệt với một phu nhân của một vị quân nhân người Mãn. Khi vị quân nhân đó biết, ông trách cứ vợ mình, nhưng sau đó bị Thiên tử quở trách, đánh đập khi nghe vụ việc này. Vị quân nhân đó uất hận mà chết, có lẽ do tự sát. Thuận Trị Đế sau đó nạp người góa phụ đó vào cung, phong làm Quý phi và năm 1660 công lịch thì sinh hạ một Hoàng tử, được Thuận Trị Đế định làm Hoàng thái tử. Nhưng vị Hoàng tử này không lâu sau qua đời, mẹ cũng sau đó mất theo.

Những ghi chép của Thang Nhược Vọng hoàn toàn phù hợp với Đổng Ngạc phi. Theo sử sách ghi lại, Đổng Ngạc thị nhập cung năm 18 tuổi, hoàn toàn không phù hợp với lứa tuổi tuyển tú (khoảng từ 13 đến 16), do vậy rất có khả năng trước đó Đổng Ngạc thị đã từng kết hôn, nhưng không phải với Tương Thân vương mà với một quý tộc Mãn Thanh nào đó. Do sự trùng hợp này, thuyết nói rằng Đổng Ngạc thị từng là Phúc tấn của Tương Thân vương rất phổ biến trong tiểu thuyết.